Sau cuộc đột kích của Hamas đầu tháng này,ýdoAiCậpngầnngạimởbiênvớingườku casino Israel đóng các cửa khẩu biên giới với Gaza và áp lệnh "phong tỏa hoàn toàn" khu vực, ngừng cung cấp nhiên liệu, điện và nước sạch. Cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập, nằm cuối phía nam Dải Gaza, là cửa khẩu đường bộ duy nhất của dải đất không do Israel kiểm soát.
Do vậy, đây là con đường tiếp tế duy nhất cho khu vực, sau khi Israel thông báo họ sẽ không ngăn chặn các đoàn xe chở hàng viện trợ vào Gaza qua lối đi này. Ai Cập trước đó đóng cửa khẩu Rafah, ngăn đoàn xe cứu trợ đi qua vì lo sợ nguy cơ bị Israel không kích.
Đây cũng là lối thoát khả thi duy nhất cho hàng trăm nghìn người Palestine đang sống trong cảnh khổ sở ở Dải Gaza. Ai Cập đang chịu áp lực lớn liên quan vấn đề cho phép người tị nạn vượt qua biên giới để thoát khỏi cuộc xung đột Israel - Hamas. Song với Cairo, mở cửa biên giới là một vấn đề rất khó khăn.
Ai Cập có vai trò đặc biệt với Hamas khi từng làm trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột của nhóm với Israel, đồng thời giúp kiềm chế nhóm vũ trang Palestine trong những năm qua bằng cách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đi qua cửa khẩu Rafah.
Tuy nhiên, khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát, Ai Cập đã nhanh chóng đóng cửa khẩu này, khi họ chịu áp lực lớn từ Israel cũng như không muốn lửa xung đột ở Gaza lan sang lãnh thổ của mình.
Giới chức Ai Cập ngày 15/10 thông báo cho phép các công dân Mỹ từ Gaza đi qua cửa khẩu. Theo kế hoạch sơ bộ, công dân Mỹ là nhóm đầu tiên được phép từ Gaza vào Ai Cập, sau đó là công dân các nước phương Tây khác. Nhóm thứ ba là nhân viên Liên Hợp Quốc, nhân viên cứu trợ. Lao động nước ngoài làm việc ở Dải Gaza là nhóm cuối cùng.
Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi nói rõ Cairo không chấp nhận dòng người tị nạn lớn từ Gaza vào nước này. Ông lo ngại điều đó có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn, dẫn tới mối đe dọa an ninh đối với Ai Cập.
Áp lực tiếp nhận người tị nạn từ Gaza xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập phải vật lộn với giá lương thực tăng cao, tiền tệ mất giá và chỉ trích ngày càng tăng với Tổng thống Sisi, người sắp đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 12.
Bởi vậy, Ai Cập kiên quyết phản đối ý tưởng cho phép hàng chục nghìn người Palestine vào nước này. Năm 1948, sau khi nhà nước Israel thành lập, hàng chục nghìn người Palestine đã tràn vào thị trấn Rafah của Ai Cập, biến đây thành trại tị nạn.
"Ai Cập có quyền lo lắng về nguy cơ người Palestine không thể trở về Gaza. Thật vô lý khi Israel, cường quốc chịu trách nhiệm về Dải Gaza, nói rằng Ai Cập phải mở cửa biên giới", H.A. Hellyer, chuyên gia an ninh khu vực Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
Mối lo ngại khác của Ai Cập là an ninh quốc gia. Họ cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng khả năng các nhóm cực đoan hơn Hamas tràn vào bán đảo Sinai mà Cairo đã nỗ lực bảo vệ trong thập kỷ qua.
Sau cuộc đánh bom tự sát khiến ít nhất 30 lính thiệt mạng tại trạm kiểm soát biên phòng năm 2014, giới chức Ai Cập đã quyết định thiết lập vùng đệm an ninh chạy dọc biên giới với Gaza nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng từ bên kia biên giới.
Để ngăn dòng người tràn vào từ Gaza, giới chức Ai Cập thiết lập thêm hàng rào an ninh cho vùng đệm. Họ đóng cửa hoàn toàn Al Arish, thành phố cảng cách Rafah khoảng một giờ lái xe.
Quan chức Ai Cập cũng thảo luận về giới hạn số lượng người Palestine vào nước này ở mức 100.000 người, để có thể quản lý trong các khu vực hạn chế. Các khu lều trại đang được dựng ở Rafah và Sheikh Zuwayed để chuẩn bị cho kịch bản này.
Một số nhà phân tích cảnh báo những nhóm cực đoan từ Gaza khi xâm nhập vào Ai Cập qua dòng người tị nạn có thể tăng cường chiêu mộ người sơ tán, gây nhiều rủi ro cho Cairo.
"Nếu các phe phái Palestine có thể xây dựng tiềm lực quân sự đáng kể ở Gaza, hãy tưởng tượng họ có thể làm gì với khu vực biên giới rộng lớn hơn ở Sinai. Họ có thể củng cố lực lượng và quay lại tấn công Israel. Khi đó Tel Aviv sẽ chiến đấu với họ trên lãnh thổ Sinai", Mohannad Sabry, thành viên Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học King’s College ở London, nói.
Tổng thống Sisi đã so sánh tình hình ở Ai Cập hiện nay với ngôi nhà đơn độc giữa khu phố bị cháy. "Tất nhiên chúng tôi cảm thông với họ. Nhưng chúng tôi cũng phải luôn giữ đầu óc tỉnh táo để đảm bảo hòa bình và an toàn theo cách không khiến chúng tôi phải trả giá đắt", ông nói.
Thanh Tâm(Theo WSJ, CNN)